Giới thiệu sách: Hoàng Sa, Trường Sa- Khát vọng hòa bình

Thứ sáu - 30/09/2016 08:42

Giới thiệu sách: Hoàng Sa, Trường Sa- Khát vọng hòa bình

Trường tiểu học Phú Hòa 3
Cán bộ thư viện: Nguyễn Thu Hường
Giới thiệu sách: Hoàng Sa, Trường Sa - Khát vọng hòa bình
Tác giả: Bùi Tất Tươm, Vũ Bá Hòa

     Kính thưa quí thầy cô giáo cùng tất cả các em!

   Nhắc tới Trường Sa, Hoàng Sa hẳn mỗi người Việt Nam dù ở nơi địa đầu Lũng Cú - Hà Giang hay tận Đất Mũi - Cà Mau, dù ở trong nước hay ngoài nước cũng có tình cảm đặc biệt với địa danh thiêng liêng này. Đó là phần lãnh thổ mà các thế hệ người Việt tiếp nối nhau vượt qua dông bão đến với đại dương để khám phá, khai khẩn những vùng đất mới, tạo nên dáng hình Tổ quốc hôm nay. Và, đó cũng là nơi thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy.

   Nằm giữa Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có một vị trí mang tầm chiến lược cả về kinh tế và quân sự, ngày càng có sức hút với nhiều quốc gia trong mọi thời đại. Vì vậy, trong bốn thập niên gần đây, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành đối tượng tranh chấp của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Biển Đông.

   Người dân đất Việt sinh sống và làm ăn ở nơi đầu sóng ngọn gió này, dù là người chiến sĩ hay những ngư dân đều phải đối mặt với từng giờ từng phút với biết bao thử thách, hiểm nguy rình rập. Họ đã trở thành biểu tượng của đức quả cảm hi sinh trong chiến đấu và lao động, không ít người đã vĩnh viễn ra đi, hóa thân vào hồn thiêng đất nước vì chủ quyền của Tổ quốc.

   Để hiểu rõ hơn nữa một cách sâu sắc về cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ ở Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và nơi biển đảo nói chung. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, thư viện trường tiểu học Phú Hòa 3 xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các em một cuốn sách nằm trong “Tủ sách biển đảo”. Đó là cuốn sách ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa - Khát vọng hòa bình” của hai soạn giả Bùi Tất Tươm và Vũ Bá Hòa. Sách dày 198 trang, được in bốn màu, khổ 25 x 23 cm do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tái bản lần thứ nhất năm 2014.

   Bạn đọc thân mến! Cầm cuốn sách trên tay chắc hẳn bạn đọc sẽ ấn tượng ngay bởi trang bìa của cuốn sách. Đó là màu xanh biếc của biển, màu vàng của nắng, của cát và màu trắng xóa của những con sóng đang vỗ bờ. Dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa được in với màu xanh của biển. Nhưng, nổi bật lên trên hết là màu đỏ của dòng chữ “ Khát vọng hòa bình” là màu cờ Tổ quốc, màu máu của biết bao thế hệ cha ông đã khai phá, đã ngã xuống kiên cường để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Dòng chữ “ Khát vọng hòa bình” được in với phông chữ to, đậm nổi bật nằm chính giữa trang bìa cuốn sách như muốn khẳng định khát vọng muôn đời của bao thế hệ người Việt - khát vọng hòa bình.

   Điểm đặc biệt của cuốn sách ảnh đó là, nhóm biên soạn đã tuyển chọn kỹ lưỡng và sắp xếp hơn 500 bức ảnh tư liệu và nghệ thuật theo kiểu văn bản phóng sự, in đậm hơi thở của cuộc sống, vừa mang tính lịch sử, vừa có tính thời sự, lại giàu giá trị nghệ thuật để “ kể chuyện” về Hoàng Sa, Trường Sa.

   Lật từng trang sách đi sâu vào nội dung, bạn đọc sẽ thấy toàn bộ cuốn sách ảnh được chia thành 4 phần chính:

        Phần 1: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

        Phần 2: Hoàng Sa - đất cha ông trao gửi cháu con

        Phần 3: Trường Sa hôm qua và hôm nay

        Phần 4: Khát vọng Việt Nam - khát vọng hòa bình

  Phần 1 của cuốn sách bắt đầu từ trang 8 đến trang 36 : Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ở phần này, tác giả muốn giới thiệu đến bạn đọc vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và giới thiệu đến bạn đọc những bằng chứng khẳng định: Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật lịch sử. Sử sách trong nước và các tài liệu Phương Tây cũng như chính người Trung Quốc trước đây đều đưa ra những bằng chứng thể hiện  ngư dân Việt Nam đã khám phá, khai khẩn những vùng đất mới trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó Tập bản đồ Việt Nam “ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thứ” , các tờ lệnh của Triều Nguyễn (1802 – 1945), các tập bản đồ, các bia đá khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

   Bước sang phần II: Hoàng Sa - đất cha ông trao gửi cháu con (từ trang 37 đến trang 68) Đó là những khúc hùng bi Hoàng Sa - Bắc Hải vượt thời gian sống mãi với non sông. Người dân Lý Sơn hiện vẫn lưu giữ những báu vật thiêng liêng của đội hung bi Hoàng Sa - Bắc Hải như những tờ lệnh cổ, báu vật của gia tộc họ Dương, tượng lính Hoàng Sa và con dấu của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, văn tế trong Lễ khao lề thế kính Hoàng Sa năm 1967… Hàng năm vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, người dân Lý Sơn từ bao đời nay vẫn tổ chức Lễ Khao lề thế lính. Năm 2013 Nhà nước đã công nhận Lễ Khao lề thế lính là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội vừa mang tính chất tâm linh vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân những hung bi Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã hi sinh để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Đông, và cũng là để tri ân các tiền nhân có công khai khẩn đất đai.

  Quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo tươi đẹp, giàu có vẫn tươi nguyên trong kí ức Việt Nam. Đó là những kí ức đẹp về sự kiện ngày 19/1/1974 Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Những con người nước Việt đã ngã xuống biển sâu trong trận chiến này để bảo vệ vùng biên cương của Tổ Quốc Việt Nam. Và ngày nay, những ngư dân như ông Phạm Duyên, Mai Phụng Lưu và rất nhiều  ngư dân khác vẫn kiên cường bám biển quê hương để nối tiếp sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc trao gửi: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc!. Đó cũng là một sự tri ân tiền nhân của những người dạn dày sóng gió nơi trùng khơi biển cả.

    Bạn đọc thân mến! Cuộc sống của ngư dân và người chiến sĩ Hoàng Sa hào hung và bi tráng như vậy. Thế còn ở Trường Sa sẽ như thế nào nhỉ?

   Mời bạn đọc lật giở từ trang 39 đến trang 196 để đón đọc Phần III Trường Sa hôm qua và hôm nay.

   Trường Sa của ngày hôm qua là những buổi đầu dựng xây sau ngày đất nước thống nhất, là những ngày tháng 3 năm 1988 tại vùng biển Gác Ma, Côn Lin, Len Đao, các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam tuổi đời còn trẻ đã kiên cường chống trả lại tàu chiến và lính thủy Trung Quốc. Máu của các anh đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Họ đã bất tử và trường tồn cùng dân tộc.

   Thế nhưng, gạt đi những đau thương mất mát mà các chiến sĩ đã kiên cường bám đất bám biển giữ vững biển đảo quê hương. Tác giả đã dành khá nhiều trang để nói về Trường Sa hôm nay – sức sống Việt trên tuyến đầu Tổ Quốc. Bạn đọc sẽ được hòa mình vào sự đổi thay của huyện đảo Trường Sa. Lật giở từng trang sách ta chi thấy toàn một màu xanh.  Màu xanh đã phủ khắp các điểm đảo. Màu xanh mát mắt trên những vòm cây phong ba, bão táp, trên những cây bàng vuông cổ thụ. Màu xanh của những vườn rau ở “đảo nổi”, “ đảo chìm” cùng với những nụ cười của người chiến sĩ trước những thành quả đạt được - đó là một sự kỳ công của con người. Ánh điện lung linh ngời sáng từ nguồn năng lượng sạch bừng lên sức sống mới trên những hòn đảo yêu thương và những Nhà giàn vững vàng nơi trùng khơi sóng gió. Được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Nhà nước và qua các phong trào hướng về biển đảo quê hương như “ Góp đá xây Trường Sa”, “ Xuồng cứu hộ Chủ quyền Trường Sa”, “Nước ngọt cho Trường Sa”, “ Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, “ Vì học sinh Trường Sa thân yêu”…Đến với Trường Sa hôm nay ai cũng ngạc nhiên trước diện mạo đổi thay từng ngày, nhịp sống đảo không thiếu những khoảng khắc bình yên như ở đất liền và một thế hệ công dân mới ra đời. Những “công dân nhí” Trường Sa chính là biểu tượng trẻ trung của sức sống Việt nơi đầu sóng ngọn gió.

   Phần cuối của cuốn sách ảnh là một lời khẳng định Khát vọng Việt Nam - khát vọng hòa bình

   Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo có nhiều tiềm năng kinh tế biển. Do đó hiện nay, Nhà nước ta đang đầu tư cho Hoàng Sa, Trường Sa theo định hướng chiến lược kinh tế biển và phát triển ngành công nghiệp dầu khí ở vùng thềm lục địa. Chính sự đổi thay từng ngày trên hai quần đảo đã giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi khai thác hải sản, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và những người lính Trường Sa đang ngày đêm kiên cường bám biển, bám đảo, thực hiện khát vọng từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam là chung sống hòa bình cùng dân tộc trên thế giới để dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thực hiện khát vọng Việt Nam: khát vọng hòa bình.

  Cuốn sách khép lại bằng hình ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương. Vẻ đẹp “ Lãng mạn Trường Sa” cũng là vẻ đẹp của con người đất Việt nơi tuyến đầu Tổ quốc. Vẻ đẹp của người lính và của những người dân kiên cường bám biển, bám đảo kết tinh phẩm chất, khí phách của dân tộc và là biểu trượng của phẩm giá Việt Nam hôm nay.

   Xem và đọc “Hoàng Sa, Trường Sa - Khát vọng hòa bình”, bạn đọc sẽ có những phút giây chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh và suy tư về những sự kiện gắn với quá trình lịch sử xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương của biết bao thế hệ Việt Nam. 

   Đây thực sự là tác phẩm tôn vinh chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tôn vinh phẩm chất và khí phách cao đẹp của những ngư dân và những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

   Cuốn sách ảnh này cũng là tài liệu tham khảo cần thiết, phục vụ trực tiếp việc cập nhật kiến thức biển, đảo; bồi dưỡng, giáo dục cho mọi người về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

   Ngoài cuốn sách này bạn đọc có thể tìm đọc những cuốn sách khác có cùng chủ đề như cuốn Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng sa, Trường Sa; Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc tập 1 và tập 2; Có một con đường mòn trên biển Đông… và nhiều cuốn sách khác nữa nằm ở “ Tủ sách biển đảo” trong thư viện của trường.

Rất hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc!

Tác giả: Nguyễn Thu Hường_CB Thư viện

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Truyền hình giáo dục
Văn bản mới

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

202/PGDĐT

Ngày ban hành: 21/02/2024. Trích yếu: Báo cáo kết quả tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Ngày ban hành: 21/02/2024

212/PGDĐT

Ngày ban hành: 23/02/2024. Trích yếu: Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

Thăm dò ý kiến

Học sinh có những điều kiện nào phục vụ việc học qua Internet?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay586
  • Tháng hiện tại33,194
  • Tổng lượt truy cập1,462,211
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây